Giới thiệu về vi bằng
Vi bằng là một loại văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật, được lập bởi Thừa phát lại nhằm thực hiện yêu cầu của cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức theo quy định của Nghị định 61/2009/NĐ-CP.
Lập vi bằng có nghĩa là gì?
Lập vi bằng là hành động Thừa phát lại sử dụng giác quan để ghi nhận lại sự thật khách quan. Một số thuật ngữ liên quan đến vi bằng bao gồm: Sổ vi bằng và hợp đồng vi bằng.
=> Sổ vi bằng và hợp đồng vi bằng đơn giản là văn bản ghi nhận sự kiện hoặc hành vi có thật do Thừa phát lại chứng kiến và lập theo yêu cầu.
Tại sao phải lập vi bằng?
Vi bằng có giá trị pháp lý cao và được quy định là nguồn chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ việc tại Tòa án và các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với vi bằng, Thừa phát lại lập vi bằng trực tiếp chứng kiến và ghi nhận về hành vi, sự kiện bằng văn bản, quay phim, hình ảnh và thậm chí âm thanh thực tế tại thời điểm lập vi bằng cho giao dịch đó. Vi bằng cũng được đăng ký tại Bộ Tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập, đảm bảo tính chính xác và đúng quy trình của nó.
Đọc thêm: Mua đất vi bằng là gì? Có giá trị pháp lý không?
Thừa phát là gì? Thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại
Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 61/2009/NĐ-CP và pháp luật liên quan. Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do Thừa phát lại thực hiện.
Thẩm quyền, phạm vi tống đạt:
- Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự.
- Thừa phát lại cũng tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
- Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận là Thừa phát lại mới thực hiện.
Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng:
- Thừa phát lại được lập vi bằng để ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc.
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Trong quá trình xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, Tòa án có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng.
Các trường hợp không được lập vi bằng
- Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này.
- Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực câm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.
- Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.
- Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.
- Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
- Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.
- Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
- Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thủ tục lập vi bằng
- Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải được thực hiện khách quan và trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
- Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
- Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ về giá trị pháp lý của vi bằng cho người yêu cầu. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
- Vi bằng phải được Thừa phát lại ký và đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại, cũng như được ghi vào sổ vi bằng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng và tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
- Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng, thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng
- Vi bằng được lập bằng văn bản tiếng Việt và có nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng.
- Địa điểm, thời gian lập vi bằng.
- Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng.
- Họ, tên người tham gia khác (nếu có).
- Nội dung yêu cầu lập vi bằng và nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận.
- Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng.
- Chữ ký của Thừa phát lại, dấu Văn phòng Thừa phát lại, chữ ký hoặc dấu chỉ của người yêu cầu, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng (nếu có yêu cầu).
- Vi bằng có từ 2 trang trở lên, mỗi trang phải được đánh số thứ tự và các tờ vi bằng cần được đóng dấu giáp lai giữa các tờ. Số lượng bản chính của mỗi vi bằng do các bên tự thỏa thuận.
- Kèm theo vi bằng có thể có các tài liệu chứng minh. Trường hợp tài liệu chứng minh được lập bởi Thừa phát lại thì phải tuân thủ thẩm quyền và phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 36 của Nghị định này.
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ quy định cụ thể về mẫu vi bằng.
Những rủi ro khi mua nhà đất vi bằng
Tính pháp lý không rõ ràng
Vi bằng chỉ làm chứng cho giao dịch mà Nhà nước không công nhận. Vì vậy, việc mua nhà đất thông qua vi bằng sẽ không đảm bảo quyền lợi của bạn do giao dịch phải được công chứng.
Mức độ thanh khoản thấp
Nhà đất được bán thông qua vi bằng thường gặp nhiều vấn đề như dính quy hoạch, chưa có sổ hoặc không đủ điều kiện tách thửa. Điều này dẫn đến việc mức độ thanh khoản thấp và khó bán ra thị trường.
Không thể thế chấp ngân hàng
Ngân hàng hiện không hỗ trợ thế chấp nhà đất vi bằng do chưa được sang tên cho bạn. Điều này dẫn đến việc khó bán ra thị trường hoặc khó xoay vốn gấp khi cần thiết.
Nguy cơ mất trắng
Mua nhà đất vi bằng có nhiều rủi ro và quyền lợi của bạn sẽ không được đảm bảo. Trong một số trường hợp, bạn có thể mất toàn bộ tài sản vi bằng vì chưa đặt tên cho tài sản.
Thực hiện giao dịch nhà đất bằng công chứng vi bằng có an toàn không?
Giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, cụ thể là giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên. Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực.
Thực tế, nhiều người mua nhà bị nhầm tưởng vi bằng thừa phát lại có thể thay thế công chứng. Một số trường hợp vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi đã thế chấp tài sản ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác bằng giấy tay dẫn đến phát sinh tranh chấp.
Vì không có giá trị pháp lý, người mua sẽ không có quyền sử dụng phần tài sản mà họ đã mua. Do đó, việc xây cất, sửa chữa, thế chấp, chuyển nhượng nhà đất đều không được phép. Mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro đặc biệt đối với bên mua.
Nguồn tham khảo: Nghị định 61/2009/NĐ-CP
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại bạn ở các bài viết sau. Hãy điền thông tin đăng ký TẠI ĐÂY, hoặc liên hệ Homebase qua số (+84) 948 230 033 hoặc email: contact@gethomebase.com. Đội ngũ Homebase sẽ liên hệ lại với bạn và cung cấp thêm thông tin chi tiết trong thời gian sớm nhất.