Hannah là đội ngũ cán bộ hỗ trợ sinh viên của FUNiX. Tên gọi của họ được lấy cảm hứng từ nhân vật có thật trong chiến tranh chống Mỹ, phát thanh viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam – Trịnh Thị Ngọ, người đã dùng giọng nói truyền cảm của mình đọc những bản tin tiếng Anh hàng ngày, thuyết phục lính Mỹ ngừng cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bà được lính Mỹ gọi là Hanoi Hannah.
Công việc của Hannah, bao gồm rất nhiều phần việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự chú tâm, cẩn thận lẫn sự nhiệt tình: – Liên hệ và nắm vững hồ sơ sinh viên; – Kết nối sinh viên với Mentor khi có yêu cầu từ sinh viên; – Theo sát tiến độ học để đánh giá tình hình, kịp thời đưa ra lời khuyên, động viên sinh viên theo học;
Câu chuyện Hannah hỗ trợ sinh viên
Hannah Nhã Quỳnh hỗ trợ sinh viên bên Mỹ: Là một trong những hannah yêu nghề và tận tụy, hannah Quỳnh luôn được các sinh viên yêu quý vì sự hỗ trợ nhiệt tình của mình. Điển hình như câu chuyện Hannah Quỳnh hỗ trợ sinh viên bên Mỹ, anh Phan Lê Thanh Chương. Hannah ở Việt Nam, sinh viên ở bên Mỹ, chênh lệch thời gian đến 12 giờ đồng hồ, lúc người này dậy là lúc người kia đi ngủ. Vậy nhưng Hannah Quỳnh vẫn cố gắng giải đáp hết những thắc mắc của anh Chương, có những hôm phải thức đến 2-3h sáng và hôm sau vẫn đi làm bình thường. Thế mới có chuyện 12h trưa hannah nhắn tin chúc sinh viên ngủ ngon, còn 12 đêm sinh viên giục Hannah đi ngủ đúng giờ.
Cô gái giấu mặt – Hannah Phương Thảo
Qua màn hình máy tính, Hannah Phương Thảo rất quen thuộc với nhiều sinh viên lẫn mentor FUNiX. Cô có thể ghi nhớ profile của rất nhiều sinh viên do mình phụ trách, nắm được chi tiết tiến độ học tập, vấn đề khúc mắc mà sinh viên đã gặp. Nhiều bạn, trong những tình huống gian nan nhất, tưởng chừng phải gác lại việc học, nhờ có sự động viên, hỗ trợ của Thảo đã tìm được cách giải quyết hay cảm hứng để tiếp tục học thật ổn.
“Kỳ thực, mình chưa bao giờ thử đo lường chính xác xem, một ngày mình dành bao nhiêu tiếng để làm việc cả” – Thảo nói. Nhiều khi, để giúp sinh viên FUNiX, Thảo có thể phải mất cả buổi vừa điện thoại, vừa chat, vừa minh họa bằng ảnh chụp màn hình.
Gần đây nhất, Thảo gặp câu chuyện của xTer Nguyễn Văn Kim Quy. Quy phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như khó bắt kịp cách học của FUNiX, sức khỏe của Quy trục trặc, máy tính hỏng… Nhưng rồi bạn vẫn cố gắng đến cùng, hoàn thành được một môn. Hay như trường hợp Hạnh Nhi, một xTer hoàn toàn chưa từng tiếp xúc với máy vi tính nhưng giờ đã học xong môn Công dân số, đang tiếp tục chinh phục môn web và prf, đã làm được một số assignment… khiến Thảo vô cùng khâm phục và cảm thấy công việc của mình ý nghĩa hơn.
Hannah Việt Anh buồn vì từng bị xTer tưởng nhầm là… BOT
Yêu thích các công việc về giáo dục, HannahViệt Anh coi việc tham gia FUNiX, nắm bắt tình hình học tập để nhắc nhở động viên các sinh viên trong quá trình học tập là một điều rất đặc biệt, luôn được cô bạn coi là “duyên phận”.
Vẻ ngoài nhỏ nhắn xinh xắn, cách nói chuyện đáng yêu, Hannah sinh năm 1997 đến từ Hà Tĩnh này luôn giành được cảm tình từ người đối diện. Cô cho biết thời gian đầu, có sinh viên chỉ “seen” tin nhắn hoặc trả lời chat một cách lạnh lùng vì… tưởng nhầm đang nói chuyện với chatbot.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất khi chăm sóc sinh viên của Việt Anh, cô nói: “Là lúc các bạn học viên sau khi biết điểm thi cuối môn thì nhắn tin tới ngay cho Hannah để báo điểm và dành nhiều lời cảm ơn rất đáng yêu. Hay có bạn học xong sớm nhưng chưa muốn đăng kí thi luôn vì muốn có thêm thời gian được… tâm sự, chia sẻ cùng Hannah. Dù chỉ cùng nhau học tập trong thời gian 6 tuần rất ngắn ngủi, nhưng các bạn vẫn dành tình cảm yêu mến khiến mình thực sự vui và cảm động”.
Hannah buồn như chính mình thi rớt
Hannah Bùi Hải Lý – được sinh viên yêu quý gọi bằng biệt danh “Hannah chúa”. Đồng hành cùng sinh viên, Hannah chia sẻ cả những niềm vui, nỗi buồn với việc học của từng bạn. Điển hình như ở Chứng chỉ 1, khi Hannah Lý kết nối một bạn tham gia Coaching (hoạt động trao đổi 1 – 1) với với mentor Tiểu Giang, dù đã hỗ trợ rất nhiều nhưng bạn vẫn thi rớt. “Biết tin, cảm giác buồn hệt như chính bản thân mình là người thi rớt vậy” – Lý chia sẻ.
Khi sinh viên hoàn thành môn, Hannah cũng chia sẻ cùng những niềm vui đó. “Đối với những bạn kịp dealine thì mình cũng sung sướng vô cùng. Hay đơn giản như việc kết nối sinh viên đi làm, khi được thông báo sinh viên được nhận chính thức, lúc này cảm giác thật khó tả, lâng lâng hạnh phúc”, Lý kể lại.
Làm Hannah bổ trợ việc giảng dạy hàng ngày
Hannah Trịnh Thị Mai – một gương mặt khá quen thuộc với các xTer đang học Chứng chỉ 1 – Công dân số. Chị Mai đang là Chủ nhiệm bộ môn Soft Skills (Kỹ năng mềm) của trường ĐH FPT Campus Hòa Lạc.
Hannah Mai kể về 1 trường hợp sinh viên mà chị theo sát là anh Lò Văn Hưng – giáo viên vùng cao (Mường Nhé – Điện Biên). xTer Hưng yêu thích lập trình, vì nhiều điều kiện khó khăn cả về khoảng cách, thời gian mà anh Hưng suýt dừng lại việc học tại FUNiX. “Mình đã cố gắng hỗ trợ, nói chuyện động viên nhiều lần. Bạn ấy quyết định học tiếp, và khi đã học tiếp rồi thì rất nghiêm túc, chăm chỉ”, chị Mai kể. Những kết quả như vậy tiếp thêm cho chị Mai nhiều động lực để tiếp tục hỗ trợ sinh viên tốt hơn nữa.
Hannah chăm sóc sinh viên từ Thụy Điển
Hannah Cung Thị Phương Hoa hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển, tuy chênh lệch múi giờ, nhưng chị vẫn hoàn thành tốt công việc hỗ trợ các học viên của mình. “FUNiX đào tạo theo hình thức Trực tuyến, Trường cũng có cả học viên sống và làm việc ở nước ngoài nên Hannah ở nước ngoài hỗ trợ cũng hết sức bình thường. Lớp mình phụ trách cũng có bạn ở Nhật, Mỹ nên dù mình “đi làm xa” cũng không đáng gì so với các bạn “đi học xa” – Hannah Phương Hoa vui vẻ bày tỏ.
Không chỉ là người truyền động lực cho sinh viên, Hannah Phương Hoa tâm sự, chị còn được tiếp thêm động lực từ chính những sinh viên chủ động, năng lực cao. Chị Hoa kể: “Bạn Nguyễn Đình Anh chẳng hạn. Em rất nhiệt tình hỗ trợ các bạn khác dù không cùng chương trình đang học. Điển hình là hễ trên group xTer – sinh viên FUNiX, có học viên nào post câu hỏi, tư vấn, thì Đình Anh đều comment và trả lời support mọi người rất cụ thể và tỉ mỉ. Chính em ấy cũng chia sẻ là rất thích giúp mọi người trong lớp để support việc học, đối với em ấy như vậy là được ôn thêm kiến thức”.