Tiêu chuẩn OCOP đóng vai trò quan trọng đối với các sản phẩm “thuần Việt”. Không chỉ vậy, việc thực hiện thành công chương trình còn góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” – OCOP.
Tiêu chuẩn OCOP là gì?
OCOP (One Commune, One Product) là chương trình được biết đến với cái tên “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Chương trình này bắt nguồn từ xứ Phù Tang từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Đến nay, đã có hơn 40 quốc gia học tập và triển khai thành công chương trình OCOP, đạt được những thành tựu vượt bậc. Thực chất, đây là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khai thác tiềm năng phát triển của các địa phương. Mục tiêu chính của chương trình là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Mục tiêu của OCOP rất rõ ràng. Đó là phát triển hình thức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có tiềm năng phát triển ở khu vực nông thôn. Từ đó, chương trình nhằm thực hiện tốt những tiêu chí đề ra trong bộ tiêu chí của chương trình Nông thôn mới.
Nhìn chung, việc thực hiện thành công chương trình OCOP đem lại nhiều lợi ích cho người dân và phát triển kinh tế xã hội. Nó không chỉ giải quyết vấn đề công ăn việc làm, thay đổi cách sản xuất hướng tới nền kinh tế thị trường mở rộng, mà còn góp phần hạn chế lưu dân từ nông thôn di cư ra thành thị tìm việc làm. Cuối cùng, chương trình còn giúp tạo ra những sản phẩm chất lượng, phát triển du lịch địa phương.
Tham gia và đạt tiêu chuẩn OCOP đem lại lợi ích gì?
Thực hiện thành công chương trình OCOP mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội. Không chỉ vậy, những địa phương và đơn vị sản xuất tham gia nếu đạt tiêu chuẩn OCOP còn có rất nhiều thuận lợi.
Đối với người sản xuất
Nếu thực hiện thành công chương trình, người dân sẽ có công ăn việc làm. Khi thu nhập được cải thiện, mức sống của người dân tại vùng nông thôn cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng tới nền kinh tế thị trường.
Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội
Chương trình OCOP mang đến hướng đi mới, hiện đại và hiệu quả hơn trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Những mặt hàng này không chỉ có cơ hội tiến ra thị trường lớn và xuất khẩu, mà còn giúp tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn.
Với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, cơ hội việc làm của người dân vùng nông thôn cũng tăng lên, giảm lượng người từ nông thôn đổ ra thành thị tìm việc. Thêm vào đó, chương trình còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố cần thiết cho sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Trách nhiệm của các chủ thể tham gia OCOP
Để thực hiện thành công chương trình OCOP, mỗi chủ thể tham gia đều phải có ý thức, trách nhiệm, và hoàn thành tốt vai trò của mình. Không chỉ Nhà nước, các tổ chức chính trị và xã hội, mà người dân và doanh nghiệp cũng cần làm tròn trách nhiệm của mình.
Vai trò của Nhà nước
Đơn vị có trách nhiệm tổ chức chính đề án này là Ban điều hành OCOP tỉnh. Đơn vị này có trách nhiệm xây dựng, phối hợp, và làm việc với bên tư vấn để triển khai. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện đề án cũng được Ban điều hành chương trình huy động.
Những sở, ban, ngành liên quan tham gia vào đề án với từng khâu cụ thể dựa trên chức năng và nhiệm vụ của mình. Những cơ quan, ban ngành liên quan còn có vai trò tham mưu và ban hành những chính sách phù hợp để tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển. Cụ thể như đào tạo, trau dồi kiến thức, đề ra bộ tiêu chuẩn sản phẩm, tạo các kênh phối hợp để phân phối sản phẩm, các hoạt động quảng bá và định hướng.
Vai trò của Chính quyền các cấp
Chính quyền các cấp có vai trò quản lý trực tiếp các bộ phận và cá nhân trong hệ thống tổ chức đề án cùng cấp. Đồng thời, chính quyền các cấp ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ chủ thể tham gia dự án. Chính quyền các cấp cũng có vai trò trong việc phân bổ và điều chỉnh nguồn lực, cùng với việc tuyên truyền đề án thông qua hệ thống. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi sản phẩm OCOP cấp huyện để chọn ra sản phẩm tốt nhất để tham gia vòng tỉnh.
Các tổ chức chính trị, xã hội, và ngành nghề
Không chỉ Nhà nước và Chính quyền các cấp mà các tổ chức chính trị, xã hội cũng có trách nhiệm khi thực hiện đề án OCOP. Vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, và ngành nghề như sau:
- Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Xây dựng và phát triển Hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
- Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh: Tham gia và đóng góp vào những giá trị hình thành trong chương trình OCOP.
- Hội Nông Dân: Tuyên truyền và động viên hội viên tham gia vào đề án.
- Các trường nghề trong tỉnh: Đào tạo ngành nghề liên quan và tuyên truyền cho cộng đồng tham gia đề án.
Vai trò của người dân và tổ chức kinh tế
Người trực tiếp tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP chính là các chủ thể và tổ chức kinh tế. Chính vì vậy, những người này đóng vai trò quan trọng khi thực hiện đề án OCOP. Dựa vào thực tế và tiềm năng của quê hương, họ sẽ tính toán và đưa ra quyết định “trồng cây gì, nuôi con gì”, hay nói cách khác, những sản phẩm có tiềm năng phát triển và lợi thế cạnh tranh.
Sau khi xác định sản phẩm muốn phát triển, họ sẽ lập kế hoạch và bắt tay vào sản xuất. Quan trọng nhất là tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Để chương trình thành công và phát triển bền vững, người dân là nhân tố quan trọng. Đặt đúng vai trò và xác định vị trí trung tâm sẽ giúp đề án triển khai thuận lợi và phát triển ở mọi mặt.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và chứng nhận ATTP
Sau khi tham gia OCOP, các sản phẩm truyền thống đã được nhiều người biết đến và đánh giá. Tuy nhiên, để có thể có mặt tại các siêu thị lớn và trở thành hàng xuất khẩu, cần vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ tục và hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận ATTP. Mặc dù có nhiều sản phẩm OCOP, nhưng số sản phẩm được cấp giấy chứng nhận ATTP rất hạn chế. Các chứng nhận này có thể là VietGap, ISO 22000:2018 hoặc chứng nhận nông nghiệp hữu cơ ASEAN.
Chứng nhận Vietgap
VietGap là chứng nhận thực hành nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Các mô hình trồng trọt được cấp chứng nhận này phải đáp ứng tiêu chí “sạch” hàng đầu. Điều này có nghĩa rằng sản phẩm đạt VietGap phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
Tiêu chuẩn VietGap đưa ra nhiều nguyên tắc và quy định trong quá trình sản xuất. Cần thực hiện các quy chuẩn quan trọng để có được sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Chứng nhận VietGap dành cho các hợp tác xã và nông trường trồng trọt. Các loại sản phẩm thường được cấp chứng nhận VietGap là lúa, rau quả, chè, và nhiều loại khác.
Chứng nhận ISO 22000:2018/ HACCP CODE 2003
Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 là hệ thống quản lý ATTP. Trong khi đó, HACCP CODE 2003 là hệ thống phân tích mối nguy cũng như điểm kiểm soát tới hạn. Nếu VietGap áp dụng cho mô hình trồng trọt, thì 2 tiêu chuẩn này áp dụng cho quá trình sản xuất và chế biến. Các đơn vị chế biến đồ hộp, sản xuất chè khô, đồ uống thường làm giấy chứng nhận theo các tiêu chuẩn này.
Chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ ASEAN
Đây cũng là loại giấy chứng nhận áp dụng cho quá trình sản xuất, sơ chế, và chế biến. Các sản phẩm thông qua quá trình này đảm bảo tiêu chí “sạch” và an toàn cho sức khỏe người dùng. Không chỉ vậy, quá trình sản xuất này còn hướng tới cuộc sống xanh và cải thiện môi trường sinh thái.
Rất ít đơn vị được cấp giấy chứng nhận này vì các tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu sản phẩm được cấp giấy chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ ASEAN, cơ hội tiến ra thị trường quốc tế sẽ cao hơn rất nhiều.
Tại sao sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được chú trọng?
So với các sản phẩm thuộc lĩnh vực chứng nhận khác, những sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được chú trọng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ưu tiên những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGap hay ISO 22000:2018. Có một số lý do khiến sản phẩm đạt tiêu chuẩn này được chú trọng:
– Các sản phẩm OCOP được đánh giá thận trọng và chuyên nghiệp từ nhiều mặt. Hội đồng đánh giá bao gồm những chuyên gia trong các lĩnh vực như y tế, môi trường,… Việc đánh giá còn trải qua nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp huyện đến các cấp tỉnh, rồi lên Trung ương.
– Những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên đều có giấy chứng nhận quan trọng như VietGap, ISO,…
– Những ngôi sao đánh giá của một sản phẩm đã trải qua nhiều cơ quan thẩm định với các bộ phận chuyên môn. Đồng thời, có cả đánh giá từ người đại diện tỉnh.
– Sản phẩm OCOP được đầu tư và chú trọng từ nhiều phía. Không chỉ chất lượng mà cả bao bì và hình thức sản phẩm cũng được quan tâm đến.
– Sau khi đạt được số sao, sản phẩm sẽ nằm dưới sự quản lý của cơ quan OCOP cấp tỉnh. Những sản phẩm từ 4 sao trở lên sẽ được cơ quan Trung ương quản lý, kiểm nghiệm, và duy trì chất lượng.
– Sản phẩm OCOP đạt sao được tin dùng bởi sự đầu tư và quan tâm trong từng khâu. Từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản cho đến đầu ra.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đều có giá trị và chất lượng riêng, đã được kiểm định.
Trên đây là một số thông tin về tiêu chuẩn OCOP. Có thể thấy, nếu thực hiện thành công chương trình, không chỉ thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn cải thiện đời sống của người dân. Sản phẩm Việt muốn vươn mình ra biển lớn cần đạt được những giấy chứng nhận quan trọng. Nỗ lực vì tương lai và chú trọng vào các quá trình để có được sản phẩm tốt nhất.