Để có một luận văn đạt kết quả tốt nhất, bạn không thể bỏ qua thiết kế bảng câu hỏi (Questionnaire). Bởi từ đó, bạn mới có đầy đủ thông tin và dữ liệu để phân tích luận văn của mình. Tuy nhiên, nhiều học sinh, sinh viên vẫn còn cảm thấy hoang mang khi triển khai giai đoạn này. Hãy cùng tìm hiểu thêm về cách làm bảng câu hỏi, định nghĩa, ví dụ cũng như các tips giúp bản khảo sát đạt được kết quả như mong muốn nhé!
1. Định nghĩa bảng câu hỏi và khảo sát bằng câu hỏi
Nhiều học sinh vẫn không biết rõ về bảng câu hỏi hay khảo sát bằng câu hỏi. Chúng ta sẽ giải đáp ngay sau đây:
Bảng câu hỏi chính là bảng được sử dụng để thu thập thông tin từ nhiều đối tượng khác nhau. Đây còn là công cụ hữu hiệu dùng trong các bài nghiên cứu và luận văn để thu thập dữ liệu cần thiết. Bên cạnh đó còn là công cụ duy nhất giúp kết nối người nghiên cứu với những người cung cấp thông tin.
Khảo sát bằng câu hỏi là việc tiến hành khảo sát sử dụng bảng câu hỏi, được xem là một phương pháp thu thập thông tin trên diện rộng, sử dụng câu hỏi để khảo sát và điều tra. Trong đó, tất cả câu hỏi đã soạn sẵn được sử dụng để thu thập thông tin từ đối tượng nghiên cứu.
2. Cách làm bảng câu hỏi với 6 bước
Khi tiến hành thiết kế bảng câu hỏi cho luận văn, bạn cần trải qua 6 bước chi tiết dưới đây:
2.1. Bước 1: Xác định mục đích của bảng câu hỏi
Trước tiên, bạn phải xác định chính xác mục đích nghiên cứu của luận văn. Điều này là cần thiết để đảm bảo toàn bộ câu hỏi đưa ra phù hợp với mục tiêu nghiên cứu.
Sau đó, bạn mới biết được mình cần hỏi khách hàng những gì. Mục đích của bảng câu hỏi có thể là:
- Hiệu quả của một sản phẩm cụ thể đã ra mắt thị trường khá lâu?
- Đánh giá sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm đó?
- Phản ứng của khách hàng trước sự thay đổi về giá thành sản phẩm?
- Hay bất cứ một vấn đề nào khác?
Khi đã xác định được mục đích nghiên cứu, bạn sẽ tìm hiểu về đối tượng khảo sát.
2.2. Bước 2: Xác định đối tượng khảo sát
Mỗi nghiên cứu hướng đến từng nhóm đối tượng riêng biệt. Vì vậy, bảng câu hỏi sẽ được thiết kế phù hợp với mục đích cũng như đối tượng nghiên cứu.
Dựa vào đối tượng khách hàng mục tiêu của sản phẩm hoặc thương hiệu, bạn có thể chia họ thành những nhóm nhỏ tùy theo độ tuổi, giới tính, thói quen, hành vi, vị trí địa lý,…
Ví dụ: Quán cafe trước cổng trường đại học Luật Hà Nội có khách hàng mục tiêu là học sinh, sinh viên từ 15-22 tuổi. Bạn có thể chia thành những nhóm nhỏ hơn dựa theo độ tuổi như: Từ 15-17, từ 18-20, từ 20-22,… Hoặc chia theo hành vi, họ đến để làm việc, học tập hay hẹn gặp bạn bè,…
2.3. Bước 3: Xác định phương thức khảo sát
Đến bước này, bạn sẽ có hai phương thức chính để khảo sát và thu thập dữ liệu đó là: trực tiếp và gián tiếp.
-
Trực tiếp: Bạn sẽ tìm gặp đối tượng khảo sát sau đó thuyết phục họ tham gia trả lời bảng câu hỏi. Cách làm này tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Nhưng bù lại, bạn sẽ tiếp cận thông tin khách hàng một cách tốt nhất, dữ liệu thu được cũng có độ tin cậy cao hơn. Tuy nhiên, số lượng đối tượng mà bạn phỏng vấn sẽ không nhiều.
-
Gián tiếp: Bạn có thể gửi bảng câu hỏi online đến đối tượng khảo sát qua email, trang web hoặc diễn đàn mạng và nhờ họ trả lời. Với cách này, bạn sẽ thu về một lượng câu trả lời lớn, cũng không mất công khảo sát trực tiếp. Dù vậy, dữ liệu thu về thường thiếu tin cậy do các yếu tố chủ quan hay khách quan khác nhau.
Tùy vào các điều kiện cá nhân như thời gian, mục đích nghiên cứu,… mà bạn có thể sử dụng các phương pháp trên một cách độc lập, hoặc sử dụng kết hợp cả hai cũng được.
2.4. Bước 4: Xác định nội dung bảng câu hỏi
Đến bước này, bạn cần xác định những câu hỏi cần thiết và phù hợp để đặt câu hỏi cho mọi người.
Vậy đâu là câu hỏi quan trọng nhất? Đó chính là những câu hỏi có thể thu thập được dữ liệu cần thiết, từ đó trả lời được các vấn đề mà cuộc nghiên cứu đã đặt ra và hoàn thành mục đích nghiên cứu.
Những nhóm câu hỏi nào thường xuất hiện trong bảng khảo sát? Có bao nhiêu câu hỏi tất cả? Thứ tự sắp xếp các câu như thế nào? Câu hỏi theo phương thức gián tiếp và trực tiếp có những điểm gì khác nhau? Thông thường thì một bảng câu hỏi cụ thể sẽ bao gồm các phần sau:
-
Lời giới thiệu: Để cho đối tượng khảo sát biết được bạn là ai, lý do vì sao họ phải cung cấp thông tin cho bạn. Hơn nữa, lời giới thiệu có nhiệm vụ cho họ thấy được tầm quan trọng của câu trả lời và cam kết bảo mật thông tin họ đưa ra.
-
Nhóm câu hỏi gạn lọc: Ở đây, chúng ta sẽ xác định và phân loại đối tượng tham gia khảo sát.
Ví dụ: “Bạn đã từng sử dụng qua sản phẩm dầu gội đầu Sunny chưa?”. Nếu có thì cần trả lời những câu nào, còn không thì cần trả lời những câu nào.
-
Nhóm câu hỏi chính: Đây là các câu hỏi được đặt ra với mục đích khai thác thông tin mà người nghiên cứu cần biết. Nhóm câu hỏi này nên đi từ đơn giản đến phức tạp, từ câu hỏi đóng đến câu hỏi mở.
-
Nhóm câu hỏi phụ: Các câu hỏi về nhân khẩu học với mục đích thu thập thêm dữ liệu cần thiết. Bạn không nên đưa nhóm câu hỏi phụ lên đầu tiên bởi vì điều này chắc hẳn sẽ gây ra sự khó chịu đối với người trả lời.
-
Lời cảm ơn: Thể hiện sự trân trọng của bạn đối với những người trả lời câu hỏi khảo sát.
2.5. Bước 5: Xác định cách dùng từ ngữ, văn phong
Cách sử dụng từ ngữ trong bảng câu hỏi đóng vai trò rất quan trọng, chúng ảnh hưởng đến câu trả lời của đối tượng khảo sát. Nếu câu hỏi được diễn đạt không rõ ràng, đối tượng khảo sát có thể trả lời không chính xác, thậm chí từ chối trả lời. Vì vậy, bạn cần có lối xưng hô phù hợp, phong cách thân thiện, cởi mở, sử dụng những từ ngữ dễ hiểu, bình dân. Bên cạnh đó cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Không được sai chính tả
- Tránh sử dụng những từ ngữ mơ hồ, không chắc chắn (ít khi, thỉnh thoảng, …)
- Tránh sử dụng những câu hỏi suy đoán, mang tính ước lượng (có vẻ là, khoảng chừng, hình như,…)
- Đi thẳng vào vấn đề, tránh sử dụng các từ ngữ bay bổng, tối nghĩa
- Đối với thuật ngữ chuyên ngành, bạn cần giải thích cụ thể với người trả lời bởi vì không phải tất cả mọi người đều hiểu về vấn đề đó.
2.6. Bước 6: Khảo sát thử và điều chỉnh nếu cần
Khi bảng câu hỏi đã được hoàn thiện, bạn cần thử nghiệm với một nhóm nhỏ đối tượng khảo sát. Từ đó có thể phát hiện ra những vấn đề đang còn thiếu sót. Bạn nên tiến hành khâu thử nghiệm này ít nhất là 2 lần với 2 nhóm người khác nhau để so sánh giữa hai kết quả và có được thành phẩm hoàn thiện nhất. Cuối cùng bạn mới đem chúng đi khảo sát chính thức với nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
3. Danh sách 15 câu hỏi ví dụ (Mẫu khảo sát bằng câu hỏi)
Dưới đây là những ví dụ về các câu hỏi phổ biến mà bạn có thể áp dụng cho bảng khảo sát của mình. Lưu ý rằng, mỗi một câu hỏi đều đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu.
Đề tài: Khảo sát sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ mạng Vinaphone.
Phần 1: Lý lịch
-
Giới tính
- Nam
- Nữ
-
Tuổi
- Dưới 25 tuổi
- 26 – 35 tuổi
- Trên 35 tuổi
-
Nghề nghiệp
- Công chức
- Kinh doanh
- Nhân viên
- Khác
-
Thu nhập hàng tháng
- Dưới 100 USD
- 100 – 300 USD
- Trên 300 USD
-
Thời gian sử dụng dịch vụ Vinaphone
- Dưới 6 tháng
- 6 – 12 tháng
- 12 – 24 tháng
- Trên 24 tháng
Phần 2: Khảo sát sự hài lòng
Các câu sau đây liên quan đến nhận định của bạn về chất lượng dịch vụ mà bạn đã trải nghiệm từ Vinaphone.
-
Chất lượng cuộc gọi tốt và rõ ràng
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Phạm vi mạng di động tốt
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Mạng không bị chặn, hỏng kết nối, hoạt động tốt 24/24
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Giá cả chấp nhận được
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Có nhiều mức giá cho dịch vụ
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Giá dịch vụ không quá cao so với chất lượng dịch vụ
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Vinaphone có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Vinaphone có nhiều dịch vụ gia tăng giá trị
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Giờ làm việc của cửa hàng Vinaphone phù hợp
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
-
Nhân viên tại trung tâm dịch vụ cung cấp thông tin một cách thân thiện và nhiệt tình
- Không đồng ý
- Trung lập
- Đồng ý
4. Bí quyết làm bảng câu hỏi thành công tuyệt đối
Bạn có biết rằng, khảo sát cũng được coi là một loại dịch vụ. Nếu bạn không biết cách làm bảng câu hỏi trong nghiên cứu, khó mà thu được hiệu quả như mong đợi. Sau đây là 4 lời khuyên mà bạn nên tham khảo để đạt được kết quả tốt nhất:
4.1. Càng ngắn gọn càng tốt
Một trong những sai lầm phổ biến trong cách làm khảo sát mà mọi người thường mắc phải, đó là khiến chúng trở nên dài dòng và phức tạp.
-
Hãy tạo những bảng khảo sát bao quát, ngắn gọn: Khoảng gần 2 trang giấy. Mỗi câu hỏi không nên vượt quá 2 dòng.
-
Hạn chế sử dụng các câu hỏi kép: Diễn giải nội dung ra …chứa quá nhiều ý khiến cho mọi người cảm thấy bối rối. Đừng quá tham lam thông tin bởi vì chúng có thể sẽ làm giảm hiệu quả phiếu khảo sát của bạn.
4.2. Đặt những câu hỏi quan trọng lên trên
Tâm lý chung của những người được khảo sát là họ ít khi chăm chút cho câu trả lời của mình. Vì vậy, trong cách làm bảng hỏi đúng chuẩn, bạn nên đưa ra những câu hỏi quan trọng lên trên để có thể thu thập được nhiều thông tin và dữ liệu cần thiết.
- Lí do:
- Họ lười suy nghĩ, ngại viết câu trả lời.
- Họ đều dành phần lớn thời gian cho những câu hỏi đầu tiên.
- Trả lời qua loa hoặc điền bừa cho những câu hỏi về cuối.
4.3. Câu hỏi phải phù hợp với văn phong, ngôn ngữ Việt Nam
Đối với những bài nghiên cứu có sử dụng thang đo từ tài liệu nước ngoài, khi chuyển về ngôn ngữ Việt Nam, bạn cần:
- Dịch từ sát nghĩa.
- Văn phong tự nhiên, rõ ràng, đảm bảo về mặt ngữ nghĩa.
Điều này sẽ giúp cho đối tượng khảo sát dễ dàng trả lời câu hỏi hơn so với các bản dịch từng từ.
4.4. Sử dụng câu hỏi rõ nghĩa
Việc sử dụng từ ngữ không rõ nghĩa sẽ dẫn đến tình trạng:
- Câu hỏi được mọi người hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, không còn tính chân thực.
- Người trả lời đã hiểu sai hướng.
- Dữ liệu được thu thập không còn chính xác.
Bạn hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng này bằng cách:
- Khảo sát thử một vài đối tượng trước.
- Nghe họ góp ý về bảng hỏi.
- Sau đó có điều chỉnh sao cho hợp lý.
Với định nghĩa, ví dụ, các tips và cách làm bảng câu hỏi đúng chuẩn được chia sẻ ở bài viết trên, chúng tôi hy vọng đã mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo để cập nhật nhiều kiến thức hơn nữa. Chúc bạn đạt được điểm tuyệt đối trong luận văn của mình!