Hiện nay, theo quy định của pháp luật, mọi người đều có quyền và nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách khiếu nại đến các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xâm phạm. Điều này nhằm đảm bảo rằng quyền lợi của những người bị vi phạm sẽ được xem xét lại một cách công khai, đúng người và đúng quy định. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là khiếu nại lần đầu và khiếu nại lần thứ hai sẽ được gửi đến đâu? Thời hạn gửi đơn khiếu nại và tố cáo theo quy định pháp luật kéo dài bao lâu? Chúng tôi sẽ giải đáp những câu hỏi trên trong bài viết này.
1. Đơn khiếu nại lần đầu được gửi đến cơ quan nào?
Theo quy định của pháp luật, khiếu nại có thể được hiểu là việc các công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình nhằm đưa ra cách xử lý đúng người, công khai, minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, đơn khiếu nại lần đầu phải được gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
- Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
- Trong nhiệm vụ của mình, thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Giám đốc sở và cấp tương đương giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
- Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan chính phủ (gọi chung là thủ trưởng cơ quan thuộc bộ) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp khi có đơn khiếu nại của người có quyền và nghĩa vụ bị xâm phạm.
- Bổ trưởng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp theo phân cấp của pháp luật.
- Tổng Thanh tra Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
- Chánh Thanh tra các cấp giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp kiểm tra, xác minh, kết luận, giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi được giao. Ngoài ra, chánh thanh tra còn có nhiệm vụ giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
- Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp. Xử lý các kiến nghị của Tổng thanh tra Chính phủ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, thủ tướng còn có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Đơn khiếu nại lần hai được gửi tới đâu?
Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với việc giải quyết đơn khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết sau khi giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu theo quy định.
Theo quy định của pháp luật, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết. Ngoài ra, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
Bổ trưởng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết và giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
3. Thời hạn gửi đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật là bao lâu?
Theo quy định của Luật Khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá ba mươi ngày, kể từ ngày thụ lý. Trường hợp vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại của người vi phạm. Đối với những nơi ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Trong vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại để xem xét giải quyết theo quy định.
Đối với việc giải quyết khiếu nại lần hai, thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Trong vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại theo quy định. Trong những nơi vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Trong vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Tư vấn trường hợp cụ thể:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là Giám đốc công ty. UBND huyện vừa ra quyết định yêu cầu công ty tôi tháo dỡ một số công trình xây dựng vì vi phạm quy định về xây dựng. Tôi không đồng ý với quyết định này và muốn gửi đơn khiếu nại để yêu cầu xem xét lại. Tôi muốn biết phải gửi đơn gì và gửi đến đâu. Trong trường hợp họ không nhận đơn, tôi phải làm gì? Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trình bày quan điểm tư vấn như sau:
Trong trường hợp này, khi bạn không đồng ý với quyết định của chủ tịch UBND huyện vì bạn cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của công ty bạn, bạn có quyền gửi đơn khiếu nại đến chủ tịch UBND huyện, người trực tiếp đưa ra quyết định đó.
Nếu bạn không đồng ý với cách giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND huyện, bạn có thể gửi đơn yêu cầu đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Hoặc bạn có thể khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Theo Điều 9 của Luật Khiếu nại 2011, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận quyết định hành chính, bạn nên gửi đơn khiếu nại vì ngoài thời gian trên, bạn sẽ không được quyền khiếu nại nữa.
Ảnh minh họa: LADEC