Lương cơ sở hiện nay được sử dụng phổ biến để tính lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Vậy mức lương cơ sở là gì? Và có phải là mức lương cơ bản không? Hãy cùng eBH khám phá trong bài viết sau đây.
1. Mức lương cơ sở là gì?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 72/2018/NĐ-CP, mức lương cơ sở được hiểu là căn cứ để:
- Tính lương và phụ cấp trong bảng lương cho những đối tượng theo quy định.
- Tính các chi phí phát sinh trong hoạt động và sinh hoạt.
- Tính các khoản trích nộp của doanh nghiệp và các chế độ của người lao động.
1.1 Bản chất và nguyên tắc áp dụng của mức lương cơ sở
Mức lương cơ sở là căn cứ để tính các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế, và thất nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, và người lao động trong doanh nghiệp. Ngoài ra, mức lương cơ sở còn được sử dụng để tính thang lương, bảng lương, các phụ cấp, và mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Khi mức lương cơ sở thay đổi, thu nhập và tiền trợ cấp cũng sẽ được điều chỉnh theo. Do đó, mỗi người lao động nên theo dõi thường xuyên chỉ số này để bảo đảm quyền lợi của mình.
2. Phân biệt mức lương cơ sở và lương cơ bản
Đây là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn nếu không hiểu rõ về bản chất. Vậy điểm khác nhau giữa lương cơ bản và lương cơ sở là gì? Dưới đây là những tiêu chí để phân biệt hai loại lương này:
2.1 Cơ sở pháp lý của mức lương cơ sở và lương cơ bản
Mức lương cơ sở được quy định rõ ràng tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP. Mức lương cơ bản không được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật nào, mà chỉ là cách gọi của mức lương thấp nhất do người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận tùy theo tính chất và yêu cầu công việc.
2.2 Đối tượng áp dụng theo quy định
Mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, và người lao động trong doanh nghiệp. Mức lương cơ sở không áp dụng trong các doanh nghiệp và tổ chức ngoài khu vực nhà nước. Trong khi đó, mức lương cơ bản áp dụng cho cả khu vực trong và ngoài nhà nước.
2.3 Chu kỳ thay đổi điều chỉnh
Mức lương cơ sở không có chu kỳ thay đổi cố định, mà thay đổi tùy theo tình hình thực tế của quốc gia. Trong khi đó, lương cơ bản thay đổi theo sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đối với đơn vị trong khu vực nhà nước, lương cơ bản thay đổi theo thay đổi của mức lương cơ sở.
2.4 Cách tính lương cơ sở và lương cơ bản
Mức lương cơ sở được quy định bằng con số cụ thể trong các văn bản pháp luật nên mang tính cố định. Trong khi đó, để tính lương cơ bản, đơn vị cần xác định dựa vào nhiều yếu tố. Cách tính lương cơ bản sẽ khác nhau cho doanh nghiệp và khu vực nhà nước.
2.4.1 Cách tính lương cơ bản cho cán bộ, công chức thuộc khu vực nhà nước
Cán bộ thuộc khu vực nhà nước áp dụng mức lương cơ sở. Công thức tính lương cơ bản dựa vào lương cơ sở và hệ số lương.
Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương
2.4.2 Cách tính lương cơ bản cho các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước
Đối với lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước, mức lương cơ bản được xác định dựa trên mức lương tối thiểu vùng mới nhất. Doanh nghiệp thuộc khu vực nào sẽ tính lương cơ bản dựa vào lương tối thiểu vùng của khu vực đó. Đồng thời, mức lương cơ bản không được thấp hơn lương tối thiểu vùng. Đối với lao động đã được đào tạo nghề, lương cơ bản phải cao hơn ít nhất là 7% lương tối thiểu vùng.
Trên đây là những thông tin về mức lương cơ sở và sự khác biệt giữa lương cơ sở và lương cơ bản. Hy vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho bạn đọc và người lao động.
Mạnh Lê – LADEC