1. Cắt lỗ là gì?
Cắt lỗ là một nguyên tắc quan trọng trong đầu tư chứng khoán, giúp nhà đầu tư có thể bảo vệ nguồn vốn của mình và kiểm soát rủi ro, đồng thời tìm kiếm một cơ hội mới để thu về số tiền đã mất, còn hơn là việc ngồi đợi giá cổ phiếu phục hồi để bán ra. Nguyên tắc cắt lỗ là cắt lỗ theo phần trăm hoặc cắt lỗ khi giá thủng tại vùng hỗ trợ trọng yếu. Cách xác định điểm cắt lỗ dựa vào đường trung bình cộng MA hoặc đường xu hướng trendline.
2. Có nên cắt lỗ chứng khoán?
2.1 Tại sao phải cắt lỗ chứng khoán?
Nếu nhà đầu tư không kịp thời thực hiện việc cắt lỗ thì khả năng tiền vốn ban đầu có nguy cơ “bay mất” là rất cao. Một số người quá tự tin vào độ hiểu biết của mình hoặc quá ngoan cố, khi thấy những biến động nhỏ, phần trăm lỗ ít ỏi thì xem nhẹ. Phần trăm lỗ dù ít cũng không nên coi thường, cần cắt lỗ khi thị trường nhiều biến động, ngay cả những cổ phiếu khỏe cũng giảm mạnh, doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh đi xuống, hoặc nhà đầu tư thấy cổ phiếu khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn, muốn bỏ cổ phiếu này.
2.2 Rủi ro khi không kịp bán cắt lỗ chứng khoán
Nếu không kịp cắt lỗ thì có 2 thiệt hại chính xảy đến với nhà đầu tư: tâm lý bất ổn và nguồn vốn giảm dần. Quá trình theo dõi giá lên xuống của thị trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư rất nhiều, tới một mốc rủi ro cao, lỗ nặng thì họ không thể tránh khỏi việc nản lòng và từ bỏ. Đối với các nhà đầu tư F0 còn chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc thua lỗ là chắc chắn. Thường khi thấy tiền vơi đi, họ sẽ có xu hướng nạp thêm tiền vào rồi thực hiện các giao dịch với khối lượng cổ phiếu lớn hơn, và hậu quả lúc này là khôn lường nếu thị trường đột nhiên bất ổn. Người chơi cổ phiếu phải theo dõi sát sao phần trăm âm mỗi ngày để thấy được kết quả của việc đầu tư. Trong trường hợp, tình trạng âm kéo dài thì cần phải thực hiện cắt lỗ kịp thời để bảo toàn vốn, “về bờ” an toàn. Bởi vậy, cắt lỗ càng sớm thì càng tránh được nhiều rủi ro và bảo vệ được số vốn ban đầu.
3. Nguyên tắc cắt lỗ chứng khoán
Trên thực tế, không có một nguyên tắc cắt lỗ chứng khoán cụ thể nào, mỗi cá nhân, tổ chức đều có tư duy riêng và sức chịu đựng rủi ro riêng. Vì vậy cần tự xây dựng quy tắc phù hợp với khẩu vị của mình. Thông thường thì có 2 nguyên tắc:
- Thứ nhất, cắt lỗ theo phần trăm: Thời điểm cần phải cắt lỗ nhất chính là khi giá cổ phiếu đã giảm theo số phần trăm nhất định so với giá mua. Con số này còn phụ thuộc vào mức độ chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư hoặc khả năng biến động giá của cổ phiếu đó. Thông thường, người ta sẽ lấy mức 5 – 10%.
- Thứ hai, cắt lỗ khi các vùng hỗ trợ trọng yếu bị thủng: Các vùng hỗ trợ trọng yếu ở đây là những mức giá có lượng cầu lớn, chẳng hạn mức giá đỉnh và đáy của quá khứ, đường xu hướng, đường trung bình cộng (MA)… Trong trường hợp này, giá cắt lỗ có thể là giá nằm dưới các vùng hỗ trợ của cổ phiếu. Tùy từng trường hợp mà nhà đầu tư lựa chọn phương thức cắt lỗ khác nhau, kết hợp cả hai thì hiệu quả càng lớn.
4. Cách xác định điểm cắt lỗ chứng khoán
Cách 1, dựa vào đường trung bình cộng (MA)
Cách này khá phổ biến và được nhiều nhà đầu tư áp dụng để xác định điểm cắt lỗ thông qua việc theo dõi giá cổ phiếu có đạt tới ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự không. Các đường MA thường được sử dụng là MA9, 10, 20, 50, 100.
Cách 2, dựa vào đường xu hướng (trendline) vùng hỗ trợ hoặc kháng cự
Nếu các vùng này bị thủng giá với khối lượng lớn, đồng nghĩa với việc xu hướng cổ phiếu có thể thay đổi, nhà đầu tư phải nhanh chóng đặt lệnh cắt lỗ ở bên dưới vùng hỗ trợ trọng yếu. Nếu nhà đầu tư còn thiếu sót nhiều kinh nghiệm trên thị trường thì có thể nhận hỗ trợ từ các ứng dụng công nghệ quản lý bởi các công ty chứng khoán chuyên nghiệp, sử dụng lệnh cắt lỗ tự động giúp bạn không bị cảm xúc lấn át khi đưa ra quyết định, nó cũng hạn chế rủi ro lỗ nặng hơn.
Đầu tư chứng khoán là một cuộc chơi không dễ dàng, nhưng thông qua việc áp dụng nguyên tắc cắt lỗ, bạn có thể bảo vệ vốn đầu tư và tối ưu hóa lợi nhuận. Hãy cắt lỗ đúng lúc và nhớ luôn đặt mục tiêu về bảo toàn vốn trước khi đến việc kiếm lợi nhuận. Để biết thêm thông tin về đầu tư chứng khoán và các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, hãy truy cập LADEC.